Mùa hè đã đến. Mùa hè là mùa vui chơi cho trẻ em nhưng cũng là mùa mà có nhiều nguy cơ mất an toàn nhất đối với trẻ em. Một trong những nguy cơ lớn nhất đó là tai nạn đuối nước. Thống kê hàng năm cho thấy có tới 50% số ca trẻ dưới 5 tuổi tử vong do bị đuối nước. Điều quan trọng là nguy cơ đuối nước có ở khắp mọi nơi không chỉ ở ngoài biển, ao, hồ, sông, ngòi, mà ở ngay trong mỗi gia đình, các vật dụng như: chum, chậu, bồn tắm. Trẻ em bị đuối nước không phải do lỗi của trẻ. Chính cha mẹ chủ quan, lơ là và thiếu kiến thức, kỹ năng về nhận biết dấu hiệu nguy hiểm có thể dẫn trẻ tới tai nạn đuối nước. Bên cạnh đó, cảm nắng, cháy nắng, giật điện cũng nguy hiểm không kém.
Dưới đây là một số điều cần biết để bảo vệ cho trẻ em trong mùa hè tránh được đuối nước và cảm nắng. Hãy bảo vệ con em của bạn! Cha mẹ cần biết, có kỹ năng để phòng tránh và dạy con chứ không nên cấm đoán chơi và gần gũi với thiên nhiên.
1. Hiểm nguy từ nước
Trông trẻ: như đã nói ở trên, trẻ em luôn cần phải quan sát và để mắt lưu ý. Nếu có nhiều người có thể thay phiên nhau trông trẻ, nếu chỉ có một mình bạn, bạn đi đâu, trẻ phải theo đấy kể cả lúc đi vệ sinh.
Bồn tắm, bồn cầu, chậu, túi nilon: Trẻ có thể đuối nước ở mức nước lấp xấp 10 cm. Ngay cả túi nilon đi mua sắm về cần phải xếp gọn, không vứt lung tung. Trẻ có thể mang vào nhà tắm đựng nước và chui đầu vô cho mát hoặc đùa nghịch. Đã có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra từ những chiếc túi nilon đi chợ về. Nhiều gia đình hay để đồ chơi trong bồn tắm hoặc chậu tắm cho con chơi khi tắm. Nên lấy đồ chơi ra khỏi phòng tắm hoặc bể bơi của gia đình để trẻ không vào chơi một mình và bạn không biết. Nếu không thấy con đâu, một trong những nơi cần tìm đầu tiên là phòng tắm, bể bơi gia đình, khu giặt đồ, máy giặt.
Khóa an toàn trẻ em: Nhà có trẻ em cần có các khóa đơn giản để trẻ không mở được, khóa cửa bồn tắm, bồn cầu, khóa tủ, vỏ bọc ổ điện (đặc biệt những ổ đện máy sấy, máy cạo râu trong buồng tắm). Nếu không mua được nút nhựa che ổ điện có thể dùng băng dính dán lại.
Xin phép: Dạy cho trẻ thói quen xin phép, phải được sự chấp thuận của cha mẹ mới được nghịch nước, bơi, tắm v.v.
Áo phao: Cho trẻ mặc áo phao nếu chưa biết bơi, nếu chơi thuyền hay tham gia các hoạt động thể thao dưới nước cũng nên cho trẻ mặc áo phao. Cha mẹ không biết bơi cũng phải mặc áo phao, có nhiều ông bố vì sỹ diện hoặc chủ quan khi đi thuyền không mặc áo phao và khi đuối nước mất bình tĩnh ôm vợ con đến ngạt thở luôn.
Dòng chảy rút xa bờ ( Rip currents): Cha mẹ cần phải hiểu biết về dòng chảy rút xa bờ và khả năng ứng phó. Trẻ biết bơi và trên 6 tuổi cần phải dạy cho trẻ biết, bình tĩnh không hoảng loạn, thả lỏng cơ thể cho đến khi cảm thấy có thể bơi được và bơi song song với bãi biển cho đến khi thoát khỏi dòng nước hãy bơi vào bờ sau.
Bơi: Hãy cho trẻ học bơi. Đây là kỹ năng sinh tồn quan trọng bậc nhất. Nếu bạn biết bơi có thể dạy trẻ từ bé. Nhiều nơi dạy trẻ bơi từ vài tháng tuổi. Nếu bạn không biết bơi cả gia đình hãy cùng tham gia một khóa học bơi. Nếu trẻ chưa biết bơi cũng nên dạy cho trẻ cách thả nổi khi chẳng may rơi xuống nước.
Trẻ biết bơi, dạy cho trẻ không được bơi một mình, đặc biệt ngoài sông, suối, hồ, biển. Luôn luôn đặt chân xuống nước trước để đo nhiệt độ nước và độ nông sâu, có đá ngầm, hào, san hô hay các vật sắc nhọn. Tuyệt đối không nhảy ùm xuống nước ở các khu vực chưa bơi bao giờ.
Luôn mặc áo phao cho trẻ ngay cả chỗ nước nông
CPR & cứu người: Kỹ năng CPR và cứu người đuối nước rất đơn giản có thể học trên mạng, google, youtube để biết. Nhiều trẻ biết bơi nhưng chưa học kỹ năng cứu người khi đuối nước có thể bị nguy hiểm cho chính bản thân. Một trong những điều trẻ nên làm đầu tiền là cầu cứu sự giúp đỡ của người lớn, trước khi tự mình giải quyết.
2. Hiểm nguy từ nắng và nhiệt
Thời gian an toàn: trước 10:00 sáng và sau 4:00 chiều. Trẻ không nên chơi ngoài nắng gắt dù đi biển cũng nên ở trong bóng râm có thể bơi trong bể thay vì ngoài biển.
Kem chống nắng: Trẻ cần dùng kem chống nắng từ SPF 30 trở lên, nếu đi biển ngày nắng và trẻ ưa hoạt động nên dùng loại SPF 60. Sau hai tiếng nên thoa lại kem chống nắng cho trẻ chứ không phải ngày bôi 1 lần là đủ. Da cháy nắng sẽ làm trẻ đau rát, khó chịu, quấy khóc và không ngủ được. Ngoài ra có thể dẫn đến ung thư da.
Trông trẻ: Đừng mải nhậu, nói chuyện, lướt web mà mất tập trung, chỉ sểnh một cái là trẻ có thể nguy hiểm, cần phải thay phiên trông trẻ.
Triệu chứng: Quan sát trẻ khi thấy các triệu chứng sau cần phải để ý: chóng mặt, buồn nôn, khát nước, khó thở, tiểu vàng v.v. Đó là các triệu chứng sốc nhiệt, cảm nắng, mất nước.
Quần áo: mặc cho trẻ đồ cotton hoặc vải thông minh loại nhẹ, sáng màu và thoát mồ hôi. Nếu đi biển có thể mua quần áo đi biển cho trẻ chống được nắng, tia tử ngoại.
Mất nước: Nhớ nhắc trẻ uống nước thường xuyên, trẻ mải chơi không uống dẫn đến mất nước rất nguy hiểm.
Ô tô: Không để trẻ em trong ô tô, kể cả bật máy lạnh, có rất nhiều tai nạn đáng thương xảy ra liên quan đến việc để trẻ trong ô tô một mình dưới trời nắng nóng, nhất là buổi trưa trong lúc cha mẹ vào chợ, siêu thị. Vì vậy, dù là đi với thời gian ít hay nhiều thì cũng không để trẻ một mình trên ô tô.
Sốc nhiệt: Sốc nhiệt là hiện tượng đặc biệt nguy hiểm dễ xảy ra trong mùa nóng khi người bệnh tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, cơ thể không thể tự hạ nhiệt, dẫn đến tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt, có thể gây tổn hại đến não và các cơ quan nội tạng.
Để phòng tránh hiện tượng sốc nhiệt, cần hạn chế tiếp xúc ánh nắng từ 11 giờ sáng đến 15 giờ chiều; bổ sung nước thường xuyên cho cơ thể bằng nước lọc, các loại nước ép trái cây, tránh xa các loại đồ uống có cồn; giữ cơ thể mát mẻ bằng cách mặc trang phục rộng rãi, nhẹ và sáng màu. Ngoài ra, để đảm bảo sức khỏe cho gia đình, cần lựa chọn và sử dụng thiết bị làm mát đúng cách, đảm bảo không khí trong nhà luôn lưu thông, giữ nhiệt độ trong phòng không chênh lệch quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời./.
Võ Ngọc (st)
- HỘI NGHỊ TẬP HUẤN NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO THÀNH VIÊN TỔ TRUYỀN THÔNG CỘNG ĐỒNG NĂM 2024 (07/09/2024, 16:12)
- Hội LHPN tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội các cấp năm 2024 (21/08/2024, 20:00)
- Tập huấn, hỗ trợ kỷ thuật trong vận hành Tổ truyền thông cộng đồng năm 2024 (18/07/2024, 10:51)
- Tài liệu Hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý cán bộ, hội viên (17/08/2021, 23:16)
- Tổ chức lễ ra quân trồng cây xanh hưởng ứng tháng hành động vì môi trường năm 2020 (19/06/2020, 19:50)
- Hội LHPN xã Tân Hòa, huyện Buôn Đôn phối hợp tổ chức truyền thông phòng. chống tai nạn thương tích, đuối nước và phòng, chống xâm hại trẻ em (13/06/2020, 18:24)
- Tổ chức lớp tập huấn hướng dẫn xây dựng mô hình cải tạo vườn tạp, trồng cây ăn trái xen canh cây cà phê cho hội viên phụ nữ (03/06/2020, 20:02)
- Cảnh báo tình trạng trẻ em bị đuối nước trong mùa dịch COVID-19 (10/04/2020, 16:13)
- Phòng ngừa virus Corona theo khuyến cáo của WHO và bộ Y Tế (03/02/2020, 10:37)
- TÀI LIỆU TRUYỀN THÔNG AN TOÀN CHO TRẺ EM TRÊN MÔI TRƯỜNG MẠNG (14/10/2019, 10:36)